Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai cho sản xuất nông nghiệp

  • Home
  • Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai cho sản xuất nông nghiệp
image

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai cho sản xuất nông nghiệp

Theo xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, cần phải quy hoạch phát triển những vùng sản xuất quy mô lớn. Đây chính là giải pháp căn cơ để tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, có sản phẩm chất lượng và bảo đảm số lượng theo yêu cầu của thị trường... Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngày 11-1-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với những kết quả đáng ghi nhận sau hơn 2 năm triển khai, cho thấy việc quy hoạch, bố trí đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn cần tiếp tục được thực hiện...

Mô hình liên kết trồng rau màu tập trung tại xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) với diện tích hàng chục héc-ta, gắn với thị trường đầu ra sản phẩm. Ảnh: Lê Đồng

Xã thuần nông Quảng Chính (Quảng Xương) trước kia chỉ trồng lúa và một số cây hoa màu truyền thống trên đất nông nghiệp. Những thửa ruộng manh mún, những vùng sản xuất mang tính chất nhỏ lẻ chưa cho hiệu quả kinh tế cao. Khoảng chục năm trở lại đây, từ khi cây đào phai hoa kép của địa phương được nhiều người biết đến, phát triển thành sản phẩm hàng hóa và đưa ra trồng ở ruộng. Thấy hiệu quả trên đất nông nghiệp, khoảng 5 năm trở lại đây, huyện Quảng Xương và xã Quảng Chính đã quy hoạch thành những vùng trồng đào tập trung trên các cánh đồng, cho hiệu quả kinh tế gấp cả chục lần trồng lúa. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có khoảng 10 ha trồng đào tập trung trên đất nông nghiệp, đó là chưa tính diện tích phân tán ở các vườn hộ gia đình. Gần 400 hộ nông dân chuyên canh cây đào, cho thu nhập trên dưới 20 tỷ đồng mỗi năm, nhiều gia đình có diện tích lớn đều cho doanh thu hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Nhiều nông dân địa phương đều khẳng định, nếu trồng lúa hoặc các cây rau màu truyền thống, chưa bao giờ có thu nhập cao như trồng đào. Ngoài thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thì kết quả trên đã nói lên hiệu quả của công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất cho phát triển trồng trọt quy mô lớn. Đây cũng là chủ trương mà huyện Quảng Xương đang thực hiện, đã được hiện thực hóa bằng nhiều nghị quyết, đề án và những chỉ đạo từ cấp huyện.

Ông Lê Đại Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, cho rằng: Sau khi có Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao, huyện Quảng Xương đã vào cuộc mạnh mẽ. Trong đó, hình thức tích tụ bằng các mô hình liên kết sản xuất đã cho thấy sự tối ưu, đang phát triển mạnh. Theo đó, chính quyền đứng ra tích tụ, quy hoạch thành vùng, mời gọi doanh nghiệp vào cùng hợp tác với người dân địa phương để triển khai sản xuất, gắn với bao tiêu cho sản phẩm. Hiện nay, huyện đã hình thành được vùng liên kết sản xuất lúa, với tổng diện tích 450 ha tại các xã: Quảng Hòa, Quảng Long, Quảng Yên, Quảng Hợp, Quảng Trường, Quảng Văn, Quảng Vọng. Theo đó, nông dân cùng góp đất tham gia mô hình, các doanh nghiệp của Thanh Hóa và Ninh Bình bao tiêu trên dưới 2.000 tấn lúa thương phẩm mỗi vụ. Trong nuôi trồng thủy sản, huyện còn kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nuôi tôm công nghiệp tới 15 ha tại xã Quảng Nham, hiện mỗi lứa đạt năng suất hơn 10 tấn/ha, mỗi năm từ 2 đến 3 lứa.

Trên bình diện toàn tỉnh, việc quy hoạch, bố trí đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đã được triển khai từ nhiều năm qua, nhưng hiệu quả và sự chuyển biến còn chậm. Từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU vào năm 2019, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương coi như “kim chỉ nam” để hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn. Công tác quy hoạch, bố trí đất đai để tổ chức sản xuất đã trở thành nhiệm vụ chính trị của cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Những kết quả của hơn 2 năm qua đã kéo theo kết quả tập trung đất đai, quy hoạch sản xuất của cả giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, những vùng cây trồng chuyên canh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật ngày càng lớn. Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ, tập trung được 26.681 ha ở 25 đơn vị cấp huyện. Cùng với đó, tỉnh và các địa phương đã tập trung đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 890 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 367 doanh nghiệp so với năm 2015), 717 trang trại, 1.136 tổ hợp tác, 699 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó 100% HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Những vùng đất rộng lớn do các nông - lâm trường cũ quản lý nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, được khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp vào hợp tác để chuyển đổi thành 3 công ty TNHH hai thành viên. Tỉnh cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh.

Khi có quỹ đất và đường hướng phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, các địa phương trong tỉnh đã kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, vận động người dân để hình thành nên nhiều mô hình sản xuất hiện đại, tạo ra những bước ngoặt phát triển cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Trong trồng trọt, đến nay, diện tích liên kết sản xuất và bao tiêu các sản phẩm trồng trọt đạt 67.761 ha; trong đó, các công ty mía đường: Lam Sơn, Nông Cống, Việt Nam - Đài Loan đã ký hợp đồng sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nguyên liệu mía; các nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước, Như Xuân, Ngọc Lặc đã ký hợp đồng thu mua nguyên liệu tại các vùng sản xuất, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nguyên liệu sắn; chuỗi liên kết sản xuất cây cao su, cây gai xanh, lúa giống, lúa thương phẩm, lúa hữu cơ, ngô dày, khoai tây, ớt, ngô ngọt và các loại rau, quả thực phẩm. Trong chăn nuôi, hình thành và ổn định các chuỗi giá trị, như: Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk, Tập đoàn TH, Công ty CP Nông sản Phú Gia - VietAVIS với chuỗi nuôi và chế biến thịt gà; các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của Công ty TNHH Hiền Nhuần; liên kết thu mua, giết mổ, chế biến lợn sữa xuất khẩu của Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty CP Chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa...

Trong lâm nghiệp, tỉnh đã hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm; một số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp hiệu quả, như: Công ty TNHH Gỗ Xuân Sơn với nhóm hộ huyện Thạch Thành (1.990 hộ/3.354,92 ha rừng gỗ); Công ty CP Ngọc Sơn với nhóm hộ huyện Quan Sơn (69 hộ/3.045 ha rừng luồng, vầu); Công ty CP BWG Mai Châu với nhóm hộ huyện Quan Hóa (545 hộ/2.369,6 ha rừng luồng). Nền nông nghiệp tỉnh nhà đang có những bước phát triển mới, hiệu quả cao hơn, nhiều mô hình theo hướng tăng trưởng xanh, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra kế hoạch: Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 tăng thêm 32.000 ha. Đây chính là mục tiêu, là động lực để cả hệ thống chính trị, các ngành và các địa phương trong tỉnh nỗ lực phấn đấu, tất cả vì mục tiêu đưa nền nông nghiệp Thanh Hóa phát triển hiện đại, hiệu quả cao.

Nhóm PV Phòng Kinh tế