Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón

  • Home
  • Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón
image

Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón

NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG PHÂN BÓN

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 26 triệu ha đất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng 10,3 triệu tấn. 

Tuy nhiên, theo thông tin thực tế thì hiệu suất sử dụng phân bón hiện nay mới chỉ đạt 40 – 45% với phân đạm, 25 – 30% với phân lân và khoảng 55 – 60% với phân kali.

Lãng phí 2 tỷ USD/năm

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), tính trung bình tỷ lệ thất thoát phân bón chiếm tới 50%, khiến mỗi năm chúng ta lãng phí khoảng 2 tỷ USD (khoảng 40-44 nghìn tỷ đồng), tương đương với gần 10 triệu tấn thóc. Đó là chưa kể, lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây trồng còn làm tăng nguy cơ dịch bệnh và hậu quả là chúng ta phải sử dụng nhiều thuốc BVTV hơn và năm sau lại cao hơn năm trước.

Ngoài ra, lãng phí phân bón còn làm giảm chất lượng nông sản, gây ra suy thoái đất, nước và tăng lượng phát thải khí nhà kính, đặc biệt từ phân đạm, phân hữu cơ và đốt rơm rạ.

Trong SX nông nghiệp, phân bón là một trong những vật tư quan trọng, góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản. Đặc biệt đối với cây lúa, phân bón giúp tăng năng suất lên 35 – 60% so với khi chưa sử dụng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ , chuyên gia đầu ngành về thổ nhưỡng, nông hóa, nguyên Giám đốc VAAS đã chỉ ra các nguyên nhân sau làm giảm hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí phân bón:

Đó là do địa hình phức tạp, đất có thành phần cơ giới nhẹ, độ dốc lớn; lượng mưa phân bố không đều và cường độ mưa cao; Công nghệ SX phân bón lạc hậu; Đầu tư cho nghiên cứu và khuyến nông phân bón thấp; Nông dân không có điều kiện tiếp cận với thông tin mới, không được đào tạo về sử dụng phân bón hiệu quả; Một số DN SX, kinh doanh phân bón thiếu trách nhiệm với nông dân, cung ứng phân bón giả, kém chất lượng, vi phạm về nhãn mác hàng hóa và vi phạm quản lý Nhà nước về phân bón.

Trong số các nguyên nhân, việc nông dân sử dụng nhiều loại phân bón tan nhanh, kỹ thuật bón không đúng cách, bón phân không cân đối là nguyên nhân cơ bản.

Các loại phân tan nhanh như đạm ure, kali, lân supe khi bón vào ruộng nước, bón cho ruộng cây màu khi gặp mưa sẽ tan gần hết tới 100% vào nước, nếu mưa to, lượng nước thừa sẽ chảy tràn, rửa trôi, xói mòn cuốn theo phần lớn lượng phân bón.

Lượng phân bón hòa tan còn lại trong ruộng lúa sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng – một biểu hiện dễ nhận ra là rong rêu (rong đuôi chó, tảo lam…) phát triển nhiều, cạnh tranh oxy, dinh dưỡng, quấn vào cây lúa non làm cây lúa bị vàng lá, khó phát triển.

PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ (2013) đã có tổng kết:

– Hiệu lực sử dụng phân bón tăng nếu như bón phân cân đối các loại dinh dưỡng đa, trung và vi lượng, nhiều trường hợp tiết kiệm tới 50% phân bón.

– Bón phân cân đối giữa hữu cơ/vô cơ = 30 – 70%, khi mối quan hệ này được đảm bảo, hữu cơ sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đạm, lân (thông qua giảm cố định lân với Fe, Al và Ca) và giảm lượng bón kali (do hàm lượng kali phân chuồng cao).

– Cân đối N-P có hiệu quả rất cao trên đất phèn, đất dốc, chua. Trên các loại đất này, hiệu lực của đạm chỉ có thể phát huy khi bón trên nền có phân lân thông qua việc giảm đáng kể lượng N tiêu tốn để tạo ra một đơn vị sản phẩm.

Trên đất phèn, giá trị hiệu lực tương hỗ N-P có thể đạt trên 2 tấn thóc/ha, giảm đáng kể lượng N tiêu tốn để tạo ra một tấn thóc. Còn trên đất đỏ vàng, giá trị tương hỗ N-P có thể đạt 1,4 – 1,6 tấn ngô hạt/ha

Ngoài các dinh dưỡng đa lượng, cần xem xét đến cân đối với trung lượng và vi lượng bởi trên nhiều loại đất, chúng đã trở thành yếu tố hạn chế, nhất là các mối quan hệ P-Ca, N-S, N-Mg… và vi lượng.Việc sử dụng liên tục phân đạm Sulphat Amon (SA), lân super (SSP) làm đất giàu lưu huỳnh quá mức. Ngược lại, việc sử dụng liên tục urê, DAP, phân lân nung chảy chắc chắn sẽ dẫn đến thiếu lưu huỳnh, hay sử dụng DAP và super lân cũng sẽ dẫn đến thiếu Mg…

– Cân đối N-K rất có ý nghĩa trên đất nghèo kali. Trên đất cát biển, đất xám bạc màu giá trị tương hỗ có thể đạt tương ứng 1,0 – 1,5 tấn thóc/ha và 3 – 4 tấn ngô hạt/ha nhờ hiệu lực phân đạm có thể tăng lên gấp 2 lần khi có bón kali. Trên các loại đất này, khi không bón kali hệ số sử dụng đạm chỉ đạt 15 -30%, trong khi có bón kali hệ số này tăng lên đến 50%.

– Cân đối đạm – lân – kali cũng cần xem xét đến ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ. Những nghiên cứu gần đây cho thấy trong vụ mùa, hè thu khi nhiệt độ không khí cao hơn, chất lượng ánh sáng tốt hơn, cây trồng có khả năng huy động nguồn lân và kali từ đất nhiều hơn nên cần phải điều chỉnh lượng bón cho phù hợp, theo hướng giảm bớt. Ngược lại trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết âm u cần bón kali cao hơn.

PGS.TS. MAI QUANG VINH Nguồn:nongnghiep.vn