Kỹ thuật trồng, chăm sóc và bón phân cho cây hành lá

  • Home
  • Kỹ thuật trồng, chăm sóc và bón phân cho cây hành lá
image

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và bón phân cho cây hành lá

1. Thời vụ trồng cây hành lá

Hành lá có thể được trồng quanh năm, tuy nhiên năng suất mùa nắng cao hơn mùa mưa. Thời gian sinh trưởng 45-50 ngày. Trồng hành trong mùa nắng cần chú ý sâu xanh da láng, trong mùa mưa cần chú ý bệnh khô đầu lá.

2. Chuẩn bị đất trồng hành lá

- Yêu cầu: đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH thích hợp từ 6-6,5, nếu pH thấp hơn 5 cần bón thêm vôi và tro bếp.

- Đất trồng hành cần được phơi ải. Kỹ thuật lên liếp hành thay đổi tùy chân đất và tập quán canh tác. Lên liếp vồng cao 35-45cm, chân liếp rộng 1m, khoảng cách giữa hai liếp là 30cm để dễ thoát nước và tiện đi lại chăm sóc.

- Xử lý đất: tiến hành xử lý đất trước khi trồng 3 ngày, sử dụng 1kg Mocap/1.000m2. Rải thuốc lên liếp rồi đảo đều lớp đất chặt.

Tủ rơm kín mặt liếp ngay trước khi trồng.

3. Khoảng cách trồng hành lá

Hàng cách hàng: 20cm

Cây cách cây: 10cm

4. Phân bón cho cây hành lá

- Tổng lượng phân dùng cho 1 sào 500m2: phân chuồng hoai 500-700kg + rơm rạ + 8-10kg NPK 16-16-8 + 14-18kg NK 15-15

* Bón lót: 500-700kg phân chuồng hoai + 8 - 10kg NPK 16-16-8

Cách bón: Phân chuồng và phân NPK được trộn đều vào đất, tiến hành rãi 1 lớp rơm rạ lên bề mặt luống và tiến hành trồng.

* Bón thúc:

Nguyên tắc bón thúc: hòa nước, tưới bằng thùng vòi hoa sen. Không nên tưới 10 ngày trước khi thu hoạch.

Lần bón

Thời gian bón

Phân bón

Lượng bón

Lần 1

Sau trồng 7-8 ngày

NK 15-15

5-7kg

Lần 2

Sau trồng 14-16 ngày

NK 15-15

5-6kg

Lần 3

Sau trồng 22-23 ngày

NK 15-15

4-5kg

Phân bón lá và vi lượng (nếu có) có thể phun kết hợp khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến cáo không nên lạm dụng các chất điều hòa tăng trưởng (ProGib...) dễ dẫn đến hiện tượng rã bẹ, cây vóng, yếu. Có thể sử dụng chế phẩm EM hoặc Crop-master cho hành lá. Nếu dùng Super hume phun 3 lần (lần 2, 4, 5) thì có thể giảm 1/3 lượng đạm dùng cho hành và hạn chế hiện tượng vàng lá, tăng sức đề kháng cho hành.

5. Chăm sóc cây hành lá

- Chú ý làm cỏ kịp thời, không để cỏ chụp hành.

- Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt.

- Tưới phun cho hành lá; giữ mực nước tưới thấm sâu trong rãnh hành lá.

- Để tận dụng và tăng hiệu quả sử dụng đất, có thể trồng xen ngò rí, cải xanh hoặc cải ngọt quanh mép liếp.

6. Phòng trừ sâu bệnh cho cây hành lá

- Các đối tượng sâu bệnh hại chính: sâu xanh da láng Spodoptera exigua (xuất hiện rất sớm và gây hại tận đến cuối vụ), dòi đục lá (xuất hiện muộn), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), bù lạch (Thrips tabaci), bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ, bệnh đốm tím Alternaria pori...

- Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng, kết hợp làm cỏ bón phân, phun thuốc vào lúc trời mát.

- Nguyên tắc phòng trừ sâu hại bằng thuốc hóa học: Sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học, lưu ý dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, ưu tiên sử dụng các thuốc vi sinh, điều hòa sinh trưởng. Bắt đầu phun khi có sâu hại. Đảm bảo không phun trước khi thu hoạch 7-10 ngày.

- Khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu xanh da láng hại hành lá, không được dùng một loại thuốc cho mỗi lần phun mà phải dùng hỗn hợp theo khuyến cáo sau (thường phun kết hợp trừ sâu xanh da láng và các đối tượng khác):

+ Lần 1: Atabron 5EC

+ Lần 2: Cascade 5EC

+ Lần 3: Dipel 3.2WP + Cascade 5EC

+ Lần 4: Mimic 20F + SeNPV

+ Lần 5: Dipel 3.2WP + SeNPV

- Không sử dụng Furadan 3H trên hành lá và hạn chế sử dụng Padan.

- Nếu có bệnh đốm tím, bệnh khô đầu lá thì dùng Antracol 50WP, Dithan M45.

7. Thu hoạch

Tiến hành thu hoạch khi hành đủ tuổi (42-45 ngày sau trồng) tùy tình hình sinh trưởng và sâu bệnh. Trường hợp hành xấu có thể lưu thêm vài ngày, nhưng không nên kéo dài quá. Hành lá khi đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

CÔNG TY CỔ PHẦN THẦN NÔNG THANH HÓA